Theo Tạp chí Y học New England, đột phá mới này đã đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc khoa học sẽ giúp khôi phục giao tiếp tự nhiên cho những người không thể nói chuyện vì chấn thương hoặc bệnh tật. Người đứng đầu công trình nghiên cứu, TS giải phẫu thần kinh học Edward Chang, cho biết dù công trình khoa học này vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện nhưng nó đã mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mất khả năng giao tiếp do tổn thương thần kinh.
Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm là một người đàn ông tên Pancho, 38 tuổi, bị đột quỵ và mất khả năng nói chuyện từ năm 2003 sau một tai nạn xe hơi. Ba năm trước, các nhà nghiên cứu đã cấy thử nghiệm các điện cực lên bề mặt não của anh Pancho trên khu vực điều khiển giọng nói nhằm giải mã các sóng não kiểm soát đường thanh âm, các chuyển động cơ nhỏ của môi, hàm, lưỡi và thanh quản. Khi anh Pancho muốn nói chuyện, các điện cực truyền tín hiệu thông qua một thiết bị trí tuệ nhân tạo (AI) kết nối với máy tính và phân tích các từ phổ biến như “nước” hoặc “tốt”…, giúp bệnh nhân có thể phân biệt được 50 từ có thể tạo ra hơn 1.000 câu.
Với những câu hỏi như “Hôm nay bạn thế nào?” hoặc “Bạn có khát không”, thiết bị cho phép anh Pancho trả lời “Tôi rất khỏe” hoặc “Không, tôi không khát”, không phải nói thành lời mà chuyển chúng thành văn bản. Quá trình này chỉ mất khoảng 3-4 giây để từ xuất hiện trên màn hình máy tính.
https://www.sggp.org.vn/thiet-bi-doc-song-than-kinh-nguoi-bi-liet-giao-tiep-746713.html