Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện làm việc trực tuyến tại nhà theo nguyên tắc phải hoàn thành, đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc; thường xuyên giữ liên lạc để xử lý công việc kịp thời và có mặt triển khai nhiệm vụ khi được yêu cầu.
UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị khác căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, chủ động chỉ đạo sắp xếp nhân lực, công việc phù hợp với yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.
Các sở, ngành, địa phương, đơn vị xử lý công việc qua phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh Bắc Ninh, hệ thống Cổng dịch vụ công; sử dụng chữ ký số trong phê duyệt và phát hành văn bản, chuyển tất cả các cuộc họp do cơ quan, đơn vị chủ trì sang hình thức họp trực tuyến.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì lựa chọn giải pháp họp trực tuyến đảm bảo ổn định, hiệu quả, trực quan để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong việc cài đặt, tạo tài khoản và triển khai họp trực tuyến; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng Cổng dịch vụ công. Đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo an toàn thông tin mạng, không để xảy ra sự cố.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện: Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong và TP Bắc Ninh tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo phương châm “gia đình cách ly với gia đình, thôn/xóm/khu phố cách ly với thôn/xóm/khu phố, xã cách ly với xã, phường cách ly với phường”.
Mọi người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp khác.
Đáng lưu ý, người dân được yêu cầu không ra ngoài đường sau 20 giờ, trừ các trường hợp thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về (phải có giấy tờ có xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác).