Ông Hoàng Ngọc Huấn được đề cử làm chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam

Ông Hoàng Ngọc Huấn (chủ tịch HĐQT VTVcab) sẽ ứng cử chức danh chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam thay thế vị trí của ông Lê Văn Thành. Ông Thành cho biết sẽ tập trung làm phó chủ tịch tài chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Ông Hoàng Ngọc Huấn được đề cử làm chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Hoàng Ngọc Huấn, chủ tịch VTVcab, được giới thiệu tham gia ứng cử chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khóa 7 – Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Câu chuyện râm ran trong giới bóng chuyền, bóng đá những tháng qua đã chính thức được xác nhận chiều 31-3.

Tại lễ ký hợp đồng tài trợ giữa Tập đoàn FLC với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV), ông Hoàng Ngọc Huấn đã có mặt tại buổi lễ.

Giới thiệu với các đại biểu tham dự lễ ký kết, ông Lê Văn Thành (chủ tịch VFV) cho biết ông Hoàng Ngọc Huấn sẽ là tân chủ tịch VFV thời gian tới thay ông.

Ông Lê Văn Thành là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao Động Lực. Năm 2015, tại Đại hội khóa 6 VFV nhiệm kỳ 2015-2019, ông Thành được bầu làm chủ tịch liên đoàn. Lẽ ra Đại hội khóa 7 VFV phải được tiến hành từ cuối năm 2019 nhưng vì nhiều lý do, trong đó có dịch bệnh COVID-19, mà đến giữa năm 2021 đại hội dự kiến mới được diễn ra.

Dù là chủ tịch VFV nhưng ông Lê Văn Thành cũng là ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiều nhiệm kỳ. Năm 2020, ông Thành trúng cử chức danh phó chủ tịch tài chính VFF.

Vì đảm nhiệm công việc ở hai liên đoàn thể thao lớn nhất cả nước nên mới đây sau khi trúng cử phó chủ tịch VFF, ông Thành tuyên bố sẽ thôi vị trí chủ tịch VFV. Thời gian qua, Tổng cục TDTT đã đi tìm ứng viên và mời ông Hoàng Ngọc Huấn là ứng viên duy nhất tham gia ứng cử chủ tịch VFV khóa 7.

Phát biểu tại lễ ra mắt không chính thức chiều 31-3, ông Hoàng Ngọc Huấn cho biết sẽ cố gắng tận dụng các nguồn lực để phát triển bóng chuyền Việt Nam. Với lợi thế sở hữu trên 20 kênh truyền hình, chiếm 85% thị phần truyền hình thể thao Việt Nam, VTVcab và cá nhân ông hướng tới xây dựng hệ sinh thái bóng chuyền như: tổ chức sự kiện, truyền hình trực tiếp các giải bóng chuyền để thu hút tài trợ…

Ông Hoàng Ngọc Huấn được đề cử làm chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam - Ảnh 2.

Lễ ký hợp đồng tài trợ giữa Tập đoàn FLC và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam – Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Chủ tịch Tập đoàn FLC: Thanh Hóa luôn về nhì, ba vì chúng tôi không có nhiều đội bóng đá Tập đoàn FLC sẽ tài trợ 3,5 tỉ đồng cho Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2021, và trở thành nhà tài trợ chính của giải đấu. Đây là mức tài trợ cao kỷ lục đối với giải đấu cao nhất của bóng chuyền chuyên nghiệp Việt Nam. Tuổi Trẻ Online đã đặt câu hỏi về việc trước đây FLC tài trợ cho CLB bóng đá Thanh Hóa nhưng sau đó từ bỏ vì cho rằng bóng đá quá phức tạp, nếu như bóng chuyền cũng trở nên phức tạp thì doanh nghiệp có tiếp tục đồng hành? Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC, cho biết FLC hướng đến tài trợ lâu dài cho bóng chuyền Việt Nam, chứ không chỉ một mùa giải. Tài trợ số tiền lớn, FLC yêu cầu bóng chuyền phải thi đấu trong sáng, có chất lượng chuyên môn cao. Ông Quyết chia sẻ: “Bóng đá là vua, ai cũng yêu thích nhưng rất phức tạp. Phức tạp vì chúng tôi không quản được, đặc biệt là cầu thủ. Với bóng chuyền, chúng tôi tự tin có thể kiểm soát được, bởi so với các môn thể thao khác thì VĐV bóng chuyền có sự trong sáng, hiền lành. Chúng tôi tự tin đã tài trợ cho bóng đá thành công rồi thì không có lý do gì không tài trợ cho bóng chuyền. Theo luật quốc tế thì CLB bóng đá FLC Thanh Hóa có 1 năm vô địch và đó là thành tích tốt nhất của đội Thanh Hóa. Khi đó, số điểm của chúng tôi bằng với đội vô địch nhưng tỉ số đối đầu lại thua. FLC Thanh Hóa luôn về nhì và về ba vì chúng tôi không có nhiều đội”.

Theo KHƯƠNG XUÂN

https://thethao.tuoitre.vn/ong-hoang-ngoc-huan-duoc-de-cu-lam-chu-tich-lien-doan-bong-chuyen-viet-nam-20210331183155484.htm
1,674 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết