Câu chuyện của Valdivia giống như nhiều người dân khác ở Peru, có người thân mắc Covid-19, phải chữa trị tại nhà do tình trạng quá tải giường bệnh. Như bao nước khác, liệu pháp oxy là không thể thiếu trong quá trình điều trị Covid-19.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 người mắc Covid-19 thì một người cần phải sử dụng liệu pháp oxy. Tuy nhiên, tại Peru, việc tự kiếm một bình khí lỏng chẳng khác gì cuộc đua vượt chướng ngại vật.
Tình trạng khan hiếm đến mức Chính phủ Peru thông báo, mỗi ngày đất nước thiếu hụt đến 110 tấn khí oxy. Nhật báo Ojo Publico mô tả: “Cuộc sống của hàng ngàn người người bệnh phụ thuộc vào cơ hội và tiền bạc. Chỉ khi may mắn bạn mới có thể tìm thấy nguồn dưỡng khí đang được săn lùng ráo riết và cũng chỉ khi đủ tiền, bạn mới có thể mua nó”.
Mô tả ngắn gọn của tờ báo Peru đã chỉ ra nỗi thống khổ của bệnh nhân mắc Covid-19, khi mà mạng sống của họ phải trông chờ vào sự may rủi và tiền bạc.
Theo lời các nhân chứng chia sẻ với báo Ojo Publico, một bình nén khí oxy mới có giá tới 10.000 sole (tương đương 2.300 EUR) và để nạp lại khí, người mua phải chi khoảng 8.000 sole (1.800 EUR), nhưng chỉ đủ cho một ngày.
Để có được chất khí lỏng quý giá này, người mua phải chạy tìm từng điểm sản xuất, tìm hiểu thông tin trên internet, gọi nhiều cuộc điện thoại, trao đổi trên mạng xã hội… Và rồi không ít người trở thành nạn nhân của lừa đảo. Họ được yêu cầu phải chuyển khoản hoặc thanh toán trực tiếp trước rồi mới được nhận hàng. Ana Lucia là một nạn nhân như vậy. Một người đàn ông gặp cô trực tiếp, đồng ý bán một bình khí nén oxy với giá 11.000 sole (khoảng 2.490 EUR). Tiền đã trả nhưng bình khí bặt vô âm tín. Có thể nói, đối với nhiều gia đình bệnh nhân, cuộc đua tìm bình khí oxy thật sự là một cơn ác mộng.
Chính quyền Lima cách đây vài tuần cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm cho nhu cầu khí oxy y khoa tăng vọt đến 300%. Mặc dù được nhiều nước láng giềng viện trợ cùng với việc tăng mức mua từ bên ngoài, nhưng lượng cung vẫn chưa đủ.
Theo thông tin do Superintendencia Nacional de Salud (SuSalud), cơ quan phụ trách kiểm soát tiếp nhận chăm sóc sức khỏe đưa ra ngày 27-2, thủ đô Lima chỉ có 9 giường hồi sức tăng cường và cả nước chỉ có 139 giường trống. Vẫn theo cơ quan này, ít nhất 10 bệnh viện vẫn trong tình trạng thiếu dưỡng khí mỗi ngày và 20 bệnh viện khác sẽ thiếu dưỡng khí trong vòng 24 giờ.
Như cái vòng lẩn quẩn, việc phải xếp hàng chờ được xét nghiệm, chờ được trả lời khi gọi số cấp cứu, chờ được nhập viện, chờ một bác sĩ đến nhà, chờ có được xe cấp cứu, chờ mua thuốc, hay chờ mua bình dưỡng khí với hy vọng cứu chữa được người thân còn làm tăng gấp bội rủi ro lây nhiễm Covid-19 cho chính bản thân họ.
Theo MINH CHÂU
https://www.sggp.org.vn/noi-binh-oxy-quy-hon-vang-720393.html