Vắc xin ngừa COVID-19 đã được mua bán ra sao?

Ủy ban châu Âu (EC) ít chú ý đến chất lượng khoa học của vắc xin ngừa COVID-19 mà chỉ ưu tiên cho vấn đề kinh tế. EC còn ưu tiên cho các hãng dược châu Âu hơn các hãng dược Mỹ.

Vắc xin ngừa COVID-19 đã được mua bán ra sao? - Ảnh 1.
 

Nhà máy ở Pháp sẽ bắt đầu sản xuất vắc xin Moderna vào tháng 3-2021 – Ảnh: AFP

Hôm 19-1, lần đầu tiên Ủy ban châu Âu (EC) công khai hợp đồng mua vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19 ký với Công ty CureVac (Đức). 10 ngày sau, EC công bố hợp đồng ký với Công ty AstraZeneca (Anh). Song các yếu tố chính trong hợp đồng đều bị tô đen.

Dự án điều tra #BehindthePledge của các nhà báo châu Âu đã công bố một số thông tin ban đầu.

Pháp, Đức, Ý, Hà Lan lập liên minh

Đến tháng 6-2020, EC vẫn giậm chân tại chỗ trong khi Mỹ và Anh lùng kiếm hợp đồng và đầu tư cho các hãng dược phát triển vắc xin COVID-19.

Để đẩy nhanh tiến độ sở hữu vắc xin và ngăn chặn Mỹ, bốn nước gồm Pháp, Đức, Ý và Hà Lan đã thành lập Liên minh toàn diện về vắc xin (IVA) nhằm tìm kiếm hợp đồng với AstraZeneca càng nhanh càng tốt.

Ngoài yếu tố AstraZeneca (hợp tác với Đại học Oxford) phát triển vắc xin nhanh chóng, bốn nước này còn có quan hệ chặt chẽ với AstraZeneca.

Pascal Soriot giám đốc AstraZeneca là người Pháp. Một nhà máy của Pháp dự kiến sẽ tham gia sản xuất vắc xin. Hà Lan, Đức và Ý đều có nhà máy đóng góp một công đoạn sản xuất vắc xin.

Về quan điểm khoa học, nhiều chuyên gia nghi ngờ vắc xin theo công nghệ vector virus (truyền thống) của AstraZeneca. Các phản ứng miễn dịch không mong muốn đã xảy ra sau liều tiêm thử nghiệm thứ hai.

TS virus học Marie-Paule Kieny – chủ tịch Hội đồng Khoa học về vắc xin COVID-19 của Pháp cho biết: “Chúng tôi đã gặp các nhà sản xuất để đưa ra khuyến nghị và chia sẻ đánh giá của chúng tôi với EC”. Tuy nhiên, không có đánh giá nào của họ được công bố.

Hợp đồng đầu tiên của EC với AstraZeneca

Tháng 6-2020, IVA công bố hợp đồng đầu tiên đặt hàng mua 300 triệu liều vắc xin của AstraZeneca. Các nước châu Âu khác không thuộc IVA tỏ ra khó chịu.

Đến ngày 17-6-2020, cuối cùng châu Âu mới công bố chiến lược chung về mua vắc xin. Để đầu tư cho các hợp đồng mua vắc xin, EU đã chi 2,1 tỉ euro theo cơ chế Công cụ Hỗ trợ khẩn cấp (ESI).

Hợp đồng với AstraZeneca sau đó rơi vào tay EC. Sau hai tháng đàm phán căng thẳng với nội dung không được tiết lộ, cuối cùng hợp đồng được ký kết vào ngày 14-8-2020 gồm 300 triệu liều vắc xin của AstraZeneca cùng với quyền chọn mua 100 triệu liều bổ sung.

Khoản thanh toán đầu tiên của ESI trị giá 336 triệu euro được chi hỗ trợ cho AstraZeneca đầu tư sản xuất. Đây là khoản tạm ứng và sẽ được trả dần.

Sau đó, các quốc gia EU sẽ có mức giá cố định mỗi liều tùy đơn đặt hàng từng nước. Ví dụ Bộ Ngoại giao Bỉ tiết lộ hồi tháng 12-2020 giá mua một liều vắc xin của AstraZeneca là 1,78 euro.

Đơn đặt hàng 300 triệu liều của AstraZeneca lên tới 870 triệu euro. Theo thông tin rò rỉ từ Bộ Y tế Ý, con số này cao hơn 120 triệu euro so với dự kiến của IVA.

Vắc xin ngừa COVID-19 đã được mua bán ra sao? - Ảnh 2.

Công nhân đóng gói vắc xin của AstraZeneca/Oxford tại Pune (Ấn Độ) đầu tháng 1-2021 – Ảnh: NYT

Quy trình đàm phán hợp đồng

 

EU thực hiện chiến lược mua vắc xin thông qua Ủy ban chỉ đạo mua vắc xin do bà Sandra Gallina (Ý) và ông Clemens Martin Auer (Áo) đồng chủ trì cùng các đại diện của 27 quốc gia EU.

Khi có bốn quốc gia EU muốn mua vắc xin, giai đoạn đàm phán kín bắt đầu. Chỉ có bảy quốc gia EU tham gia đàm phán gồm bốn quốc gia thành lập IVA cùng với Thụy Điển, Tây Ban Nha và sau đó là Ba Lan. Danh sách bảy quốc gia này chưa bao giờ được công bố chính thức.

Các quốc gia này có đặc điểm chung là đủ năng lực sản xuất vắc xin song Bỉ lại không có tên trong khi Bỉ là nước xuất khẩu vắc xin hàng đầu châu Âu.

Mỗi quốc gia trong nhóm chỉ định nhà đàm phán chính. Trong số đó chỉ có ba danh tính được tiết lộ.

Saqu AstraZeneca, EC đã ký hợp đồng thứ hai với Công ty Sanofi (Pháp). Hợp đồng với Sanofi không được công khai nhưng rốt cuộc Sanofi đã ngừng phát triển vắc xin COVID-19.

Mãi đến ngày 8-10-2020, hợp đồng thứ ba mới được EC ký kết với Công ty Johnson & Johnson của Mỹ thông qua công ty con Janssen Pharmaceutica NV ở Bỉ.

Hợp đồng gồm 200 triệu liều vắc xin và quyền chọn mua 200 triệu liều với khoản ứng trước 360 triệu euro.

Vắc xin này theo công nghệ vector virus như vắc xin của AstraZeneca, do đó các nhà khoa học đánh giá ở mức vừa phải.

Luật của Mỹ khác luật EU

Ngày 11-11-2020, EC ký hợp đồng đặt mua 200 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech với quyền chọn mua thêm 100 triệu liều.

Moderna và Pfizer đánh giá họ có thể đã giao hàng sớm hơn với số lượng nhiều hơn nếu các hợp đồng được EU ký kết sớm hơn.

Ông Stéphane Bancel giám đốc điều hành Công ty Moderna (Mỹ) so sánh: “Ở một số nước phát triển, chính phủ chỉ mất 15 ngày từ lúc bắt đầu đàm phán đến khi ký hợp đồng rồi tuần sau chuyển tiền luôn để chúng tôi có thể mua nguyên liệu”.

Đến ngày 24-11-2020, EC ký hợp đồng đặt mua 160 triệu liều vắc xin của Moderna. Moderna là công ty thử nghiệm lâm sàng vắc xin sớm hơn các đối thủ cạnh tranh khác (từ tháng 3-2020) nhưng EC mua với số lượng thấp nhất trong các hợp đồng.

Giám đốc Stéphane Bancel phàn nàn EU tin rằng các hãng dược châu Âu sẽ thành công nên không đặt hàng nhiều từ Mỹ.

Khi các hãnh dược Mỹ Moderna, Pfizer/BioNTech hay Johnson & Johnson đàm phán với EC, họ luôn tham chiếu các quy định của Mỹ.

Giám đốc Stéphane Bancel giải thích: “Mỹ đã thông qua luật bảo vệ các nhà sản xuất… Các hãng dược được bảo vệ nếu xảy ra vấn đề an toàn không phát hiện trong thử nghiệm lâm sàng. Còn ở châu Âu, vấn đề này vẫn đang được thảo luận”.

Theo HOÀNG DUY LONG

https://tuoitre.vn/vac-xin-ngua-covid-19-da-duoc-mua-ban-ra-sao-20210204064206474.htm
718 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết