Thêm hi vọng với thuốc Molnupiravir ngừa COVID-19

Thuốc kháng virus đang thử nghiệm chữa trị bệnh cúm đã cho thấy có ngăn chặn sự lây truyền virus corona ở chồn sương trong vòng 24 giờ.

Thêm hi vọng với thuốc Molnupiravir ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Đội ngũ y tế của bệnh viện đại học ở Coventry (Anh) vỗ tay chúc mừng cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, sau khi tiêm vắcxin vào sáng 8-12 – Ảnh: REUTERS

Theo báo Ouest-France, loại thuốc viên trị cúm này đang thổi thêm làn gió mới vào hi vọng của loài người trong việc ngăn chặn loại virus khiến cả thế giới khổ sở. 

Kết quả một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature Microbiology cho thấy loại thuốc này triệt tiêu hoàn toàn khả năng lây truyền của virus corona trong vòng 24 giờ sau khi uống. Thuốc ngăn virus tự nhân lên, tức ngăn virus lây lan khắp cơ thể.

Thuốc Molnupiravir, còn có tên gọi là MK-4482/EIDD-2801, đã chứng minh được hiệu quả kháng virus trên nhiều loài vật. Các nhà nghiên cứu phát hiện loại thuốc này đã ngăn chặn những con chồn bị nhiễm COVID-19 lây bệnh cho nhau, trong khi những con không được dùng thuốc đã lây bệnh. 

Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Georgia (Mỹ) cho biết nếu dữ liệu có thể được “phiên ngang” sang người, điều đó có nghĩa là bệnh nhân COVID-19 được điều trị có thể đạt khả năng không lây nhiễm trong vòng một ngày.

Tiến sĩ Robert Cox, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi tin rằng chồn hương là một mô hình lây truyền có liên quan vì chúng dễ dàng lây lan virus corona nhưng hầu như không phát triển thành bệnh nặng, giống như virus corona đang lây lan ở người trẻ tuổi”.

Các nhà nghiên cứu đã lây nhiễm virus corona cho 6 con chồn và điều trị 3 con trong số này bằng thuốc Molnupiravir thử nghiệm. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu lấy 12 con chồn không bị nhiễm bệnh và cứ 2 con được nhốt trong lồng với một trong những con bị bệnh. 

Sau khi kiểm tra hằng ngày trong tám ngày, không có con chồn nào bị mắc bệnh khi được nuôi nhốt với con được điều trị bằng thuốc Molnupiravir. Trong khi đó, trong vòng bốn ngày, tất cả những con chồn xung quanh con vật bị bệnh (nhưng chỉ được cho uống giả dược) đều mắc bệnh COVID-19.

“Những con chồn bị nhiễm bệnh được cho uống Molnupiravir hai lần mỗi ngày, nhờ đó giảm đáng kể lượng virus corona trong đường thở trên. Nhờ đó đã làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm cho những con chồn mạnh khỏe khác” – ông Josef Wolf, nghiên cứu sinh tiến sĩ và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. 

Tiến sĩ Richard Plemper, giáo sư tại Viện Khoa học y sinh ở bang Georgia, khẳng định: “Đây là lần đầu tiên chứng minh một loại thuốc uống có thể ngăn chặn nhanh chóng sự lây truyền virus corona”.

Molnupiravir là một loại thuốc kháng virus được Công ty Drug Innovation Ventures at Emory (DRIVE) phát triển. Ban đầu, nó được dùng để điều trị bệnh cúm và ngăn không cho virus tạo ra các bản sao của chính nó bằng cách tạo ra các lỗi trong quá trình sao chép RNA của virus. Đến tháng 4-2020, các nghiên cứu phát hiện Molnupiravir có thể ngăn ngừa và giảm tổn thương phổi nghiêm trọng ở chuột bị nhiễm virus corona.

Thuốc hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng II/III, trong đó đang được thử nghiệm ở ba liều lượng khác nhau cứ 12 giờ một lần trong năm ngày trên bệnh nhân COVID-19, nhưng dữ liệu dự kiến không có sẵn đến ít nhất là tháng 5-2021.

Tiến sĩ Richard Plemper rất tự tin: “Chúng tôi đã sớm ghi nhận thuốc Molnupiravir có hoạt tính phổ rộng chống lại virus đường hô hấp và việc điều trị động vật bị nhiễm bệnh qua đường thuốc uống đã làm giảm nhanh số lượng virus, nên làm giảm đáng kể sự lây truyền. Những thuộc tính này đã làm thuốc Molnupiravir trở thành một ứng cử viên mạnh mẽ cho việc kiểm soát dược lý đối với COVID-19”.

Theo báo The Indian Express, Hội đồng Nghiên cứu khoa học và công nghiệp (CSIR) của Ấn Độ vừa quyết định cho thử nghiệm thuốc Molnupiravir trên người vì bị ấn tượng trước khả năng của thuốc ở chồn.

3

Đó là những lợi ích cùng lúc của việc sử dụng thuốc Molnupiravir: ngăn chặn trường hợp bệnh mau chóng trở nặng, rút ngắn lại giai đoạn lây nhiễm của đối tượng bị mắc bệnh, như vậy cũng rút ngắn luôn thời gian nằm chữa bệnh và cuối cùng là ngăn chặn nhanh chóng ổ dịch.
Người tiêm đầu tiên ở Anh là cụ bà 90 tuổi Ngày 8-12, cụ bà Margaret Keenan – 90 tuổi, người Anh – đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 do Hãng dược Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức bào chế. Anh bắt đầu chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước này và cụ Keenan đã được chọn là người đầu tiên tại nước này cũng như trên toàn thế giới được tiêm vắcxin BNT162b2. Phát biểu với báo giới sau khi tiêm tại bệnh viện đại học ở Coventry, miền trung vùng England, cụ Keenan coi đây là món quà mừng sinh nhật sớm có ý nghĩa nhất (cụ sắp qua tuổi 91). Cùng với cụ Keenan, những người già trên 80 tuổi, các điều dưỡng, nhân viên y tế tuyến đầu và bảo trợ xã hội là đối tượng đầu tiên được tiêm vắcxin phòng COVID-19 tại Anh. Những người này sẽ phải tiêm nhắc lại mũi thứ hai sau 21 ngày. Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech. Quy trình chủng ngừa mỗi người cần hai liều vắcxin, do đó số vắcxin này đủ cho 20 triệu người trong tổng số 67 triệu dân Anh. Trong tuần đầu tiên, Anh sẽ được bàn giao 800.000 liều.

Theo TƯỜNG NGUYỄN

https://tuoitre.vn/them-hi-vong-voi-thuoc-molnupiravir-ngua-covid-19-20201208215743292.htm
1,125 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết