Ở xứ cha đẻ vắcxin, dân lại không thích chủng ngừa COVID-19

Một điều lạ tại đất nước của Louis Pasteur (cha đẻ của vắcxin), 50% số người Pháp được hỏi không muốn tiêm ngừa vắcxin COVID-19 và 15% kiên quyết không tiêm bất kỳ loại vắcxin nào.

Ở xứ cha đẻ vắcxin, dân lại không thích chủng ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Phản đối tiêm vắcxin ở Paris (Pháp) vào cuối năm 2018 – Ảnh: AFP

Ngày 12-11 (giờ địa phương), Đài France Info và báo Le Figaro (Pháp) đã công bố kết quả cuộc khảo sát Odoxa-Dentsu Consulting đối với 1.005 người Pháp đại diện mẫu về giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp…

60% phản đối bắt buộc tiêm vắcxin COVID-19

Trả lời câu hỏi “nếu một loại vắcxin ngừa COVID-19 như vắcxin của Pfizer và BioNTech sớm được triển khai rộng rãi ở Pháp, ông/bà có muốn tiêm phòng hay không?”, 50% số người được hỏi đã từ chối (29% nói “có thể không tiêm” và 21% “chắc chắn không tiêm”).

Cụ thể có 15% kiên quyết không tiêm bất kỳ loại vắcxin nào, 31% cho biết đầu tiên phải tham khảo thông tin khác ngoài bác sĩ trước khi đồng ý tiêm và 53% sẽ tiêm nếu bác sĩ đồng ý.

Trả lời câu hỏi “ông/bà ủng hộ hay phản đối việc bắt buộc tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 trong tương lai?”, 60% phản đối trong khi 38% ủng hộ.

Trả lời câu hỏi “Pfizer và BioNTech thông báo vắc xin của họ đạt hiệu quả đến 90%, vậy ông/bà có nghĩ đây là chặng đường đầu tiên chiến thắng COVID-19 hay không?”, 49% cho rằng thông tin này còn quá mới và chưa vững chắc, 33% cho biết đây chỉ là bước đầu và còn phải chờ 1-2 năm nữa mới chiến thắng được COVID-19, 17% lạc quan hơn tin rằng sẽ đánh bại COVID-19 từ 6-9 tháng nữa.

Xem ra số người kiên quyết không dùng vắcxin ở Pháp đã tăng lên.

Cách đây 5 năm, Công ty thăm dò Odoxa đã khảo sát cho France Inter, Le Figaro và Tổ chức Tương trợ quốc gia giữa bệnh nhân và các chuyên gia y tế và xã hội (MNH) về tiêm vắcxin.

Kết quả cho thấy chỉ 10% số người được hỏi kiên quyết từ chối tiêm vắcxin, trong khi 60% nghe theo lời bác sĩ.

Ở xứ cha đẻ vắcxin, dân lại không thích chủng ngừa COVID-19 - Ảnh 2.

Bác sĩ ở Pháp tiêm vắcxin ngừa cúm mùa. 15% ở Pháp kiên quyết không dùng loại vắc xin nào – Ảnh: aa.com.tr

Phần nhiều lo ngại bị phản ứng phụ

Giữa tháng 10-2020, theo đơn đặt hàng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Công ty thăm dò Ipsos (Pháp) đã tổ chức khảo sát trực tuyến đối với 18.526 người từ 16-74 tuổi ở 15 quốc gia.

Tỉ lệ bình quân đồng ý tiêm vắcxin đạt 73%.

8 quốc gia ủng hộ hơn hết gồm có Ấn Độ (87%), Trung Quốc (85%), Hàn Quốc (83%), Brazil (81%), Úc (79 %), Anh (79%)), Mexico (78%) và Canada (76%).

7 quốc gia có tỉ lệ thấp hơn gồm Pháp (54%), Mỹ, (64%), Tây Ban Nha (64%), Ý (65%), Nam Phi (68%), Nhật (69%) và Đức (69%).

Như vậy trong 15 nước, Pháp là nước lo ngại tiêm vắcxin ngừa COVID-19 hơn hết.

Về lý do không chấp nhận tiêm chủng, 34% những người được hỏi lo ngại vắcxin gây ra phản ứng phụ, 33% tin rằng thời gian thử nghiệm lâm sàng quá nhanh và chỉ 10% tin rằng vắcxin đạt hiệu quả.

Một tháng trước đó, Ipsos đã khảo sát trên gần 20.000 người trưởng thành ở 27 quốc gia.

Pháp vẫn là quốc gia có tỉ lệ phản đối tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cao nhất thế giới.

Trong nhóm các nước hoài nghi vắcxin còn có Hungary, Ba Lan và Nga.

Muốn điều chế thành công vắcxin thường phải mất một thập niên, còn bây giờ các ứng viên vắcxin COVID-19 được phát triển quá nhanh, do đó nhiều người “rét”.

56% lo ngại phản ứng phụ xảy ra và 29% nghi ngờ tính hiệu quả. Riêng ở Pháp có đến 60% lo ngại phản ứng phụ và 33% nghi ngờ hiệu quả.

Pháp còn có điểm đặc thù là 24% từ chối sử dụng bất kỳ loại vắcxin nào, tỉ lệ cao nhất thế giới.

Ở xứ cha đẻ vắcxin, dân lại không thích chủng ngừa COVID-19 - Ảnh 3.

Những người phản đối bắt buộc tiêm vắcxin ở Sacramento (bang California, Mỹ) – Ảnh: AP

Xu hướng chống vắcxin xuất phát từ đâu?

Xu hướng chống vắcxin đã phát triển ngoạn mục nhờ mạng xã hội.

Facebook và YouTube có quy định hạn chế nội dung chống vắcxin, nhưng một số nhân vật có ảnh hưởng đã truyền bá trên Twitter và Instagram.

Nhà sử học khoa học Laurent-Henri Vignaud tại Đại học Bourgogne phát biểu trên báo Le Monde (Pháp) nhận định người Pháp không ác cảm với vắcxin, mà chỉ hoài nghi hơn các quốc gia khác.

Ông giải thích xu hướng chống vắcxin đã xuất hiện từ thời bắt đầu có vắcxin vào thế kỷ 18 (một số thầy thuốc không chịu dùng thuốc mới).

Còn hiện nay, xu hướng chống vắcxin chủ yếu mang yếu tố kinh tế và chính trị.

Số người Pháp không tin vắcxin an toàn không phải vì muốn loại trừ vắcxin triệt để, mà chỉ muốn thể hiện niềm tin thấp đối với chính phủ, các công ty dược phẩm và bộ máy y tế.

Pháp là một trong những quốc gia mà niềm tin của người dân đối với chính phủ thấp hơn hết trong đại dịch COVID-19.

Muốn kiểm soát và loại bỏ căn bệnh truyền nhiễm cần phải đạt mức bao phủ tiêm chủng nhất định. Do đó, thái độ hoài nghi trong tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 có thể gây nguy hiểm cho chiến lược tiêm chủng.

GS Melinda Mills tại Đại học Oxford (Anh) nhận định ngoài việc giám sát và ngăn chặn các nhóm truyền bá xu hướng chống vắcxin, cần sử dụng vũ khí mạnh mẽ nhất là trao cho công chúng phương tiện giúp phát hiện và báo cáo thông tin sai lệch về vắcxin.

Ở xứ cha đẻ vắcxin, dân lại không thích chủng ngừa COVID-19 - Ảnh 4.

Viện Pasteur (Pháp) nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19, trong khi 50% số người Pháp được hỏi không muốn tiêm phòng – Ảnh: VIỆN PASTEUR

Theo HOÀNG DUY LONG

https://tuoitre.vn/o-xu-cha-de-vacxin-dan-lai-khong-thich-chung-ngua-covid-19-20201115172155079.htm
1,049 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết