Đau đầu với chất lượng ngoại binh

Sau 13 vòng đấu của giai đoạn 1 V-League 2020, một trong những điều thất vọng nhất chính là chất lượng ngoại binh của nhiều CLB khá tệ và gián tiếp khiến chuyên môn của giải đi xuống.

Đau đầu với chất lượng ngoại binh - Ảnh 1.

Walsh Chevaughn (giữa) được đánh giá là một trong những ngoại binh kém ở V-League 2020 – Ảnh: N.KHÔI

Ngoại binh chiếm đến 50% sức mạnh của các CLB nên nếu chiêu mộ được ngoại binh giỏi, CLB có thể bay cao tại V-League vì đủ sức gánh cả đội bóng. Ngược lại, nếu gặp phải ngoại binh kém, CLB vừa mất tiền, vừa không thu được thành tích mong muốn. 

Vế thứ hai nói trên hoàn toàn đúng với 6 CLB góp mặt ở nhóm tranh trụ hạng gồm Sông Lam Nghệ An (SLNA), Đà Nẵng, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng và Quảng Nam.

Nhiều lý do cản trở

Sau 13 vòng đấu, ngoại binh của SLNA chỉ ghi được 2 bàn thắng, tiếp đến là Thanh Hóa (4), Quảng Nam (4) và Hải Phòng (6). Trong đó, tình cảnh của Quảng Nam là bi đát nhất khi các ngoại binh không hay, hàng thủ lại tệ khiến họ xếp cuối bảng và đối mặt nguy cơ cao xuống hạng.

Trong nhóm trụ hạng, chỉ có Đà Nẵng và Nam Định có thể an tâm nhất về ngoại binh. Cụ thể, Akinade Ismaheel, Tanda và Jelic Igor ghi 10/19 bàn thắng cho Đà Nẵng. Còn bộ ba Đỗ Merlo, Rafaelson và Tony Agbaji ghi 11/14 bàn cho Nam Định.

Chia sẻ về khó khăn trong việc tìm ngoại binh giỏi, HLV Ngô Quang Trường (SLNA) nói: “Tuyển ngoại binh không phải chuyện dễ vì nguồn cung năm nay không chất lượng. Tài chính của SLNA cũng không hơn các đội khác nên bị cạnh tranh gắt gao. Đến giữa mùa giải, vì dịch bệnh không ngoại binh nào sang được để thử việc nên đành chấp nhận ký với Felipe Martins. Cầu thủ này chất lượng không quá ấn tượng nhưng từng thi đấu ở V-League”.

Một trong những lý do khiến chất lượng ngoại binh ở V-League ngày càng kém đi được nhận định là do các CLB chủ yếu chỉ trao đổi ngoại binh vì không tìm được người mới. Điển hình, Andre Fagan từ Than Quảng Ninh đến Hải Phòng, còn Claudecir đi theo chiều ngược lại. CLB Hà Nội để Hoàng Vũ Samson sang Thanh Hóa và ký hợp đồng với Rimario…

Các CLB dù muốn các ngoại binh mới và chất lượng nhưng công tác tuyển chọn lại là trở ngại lớn. Hầu hết các CLB tìm ngoại binh thông qua những nhà môi giới vì họ không có đội ngũ tuyển trạch riêng. Sau đó, số cầu thủ này phải thông qua thử việc để kiểm chứng năng lực mới được ký hợp đồng. 

“Điều này khiến việc tuyển chọn mất thời gian và những ngoại binh chất lượng không mặn mà vì cho rằng đó là công việc không chuyên nghiệp. Nếu chuyển nhượng như thế giới, chi phí sẽ rất lớn. Các CLB V-League khó kham nổi”, HLV Phan Thanh Hùng (Than Quảng Ninh) chia sẻ.

Chất lượng cầu thủ nội “cứu” ngoại binh

Ở nhóm tranh chức vô địch, chất lượng ngoại binh cũng không khá hơn là mấy. Dù đã ghi 6 bàn thắng và đang dẫn đầu danh sách ghi bàn cho Hoàng Anh Gia Lai nhưng Walsh Chevaughn vẫn bị xem là ngoại binh kém. 

Những pha xử lý cẩu thả, dứt điểm tệ hại… là “đặc sản” của cầu thủ người Jamaica này. Nếu xung quanh anh không có những Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn…, Walsh Chevaughn khó lòng có được nhiều bàn thắng như vậy.

Trong khi đó, hai tiền đạo ngoại mới của CLB TP.HCM là Jose Ortiz và Ariel Rodriguez sau 3 trận đấu không cho thấy hình ảnh nguy hiểm như được kỳ vọng. Trước đó, CLB TP.HCM cũng gặp phải một ngoại binh tệ khác là tiền đạo Amido, người đã sớm bị thanh lý hợp đồng. Nếu không có những cầu thủ hàng công tốt như Công Phượng, Phi Sơn, Huy Toàn… thành tích của CLB TP.HCM sau giai đoạn 1 vẫn là dấu hỏi.

Cũng có thể nói chất lượng của các cầu thủ nội nâng lên khiến khoảng cách giữa họ với ngoại binh không còn quá cách biệt. Nhà báo Phạm Tấn của Truyền hình K+ nhận định: “Việc ngoại binh thể hiện kém chất lượng một phần là do sự nổi trội của các cầu thủ nội ở một số CLB, mà rõ nét nhất là đội Hà Nội. Vì vậy, mối quan hệ cầu thủ nội phục vụ cầu thủ ngoại quá quen thuộc trước kia nay phần nào thay đổi”.

Một nhà môi giới cầu thủ cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng trình độ của cầu thủ nội hiện tại khá tốt, trong khi ngoại binh ở đẳng cấp vượt trội để chắc chắn tỏa sáng ở V-League quá khó tìm. Tuy nhiên, các CLB thường mang tâm lý: có ngoại binh trong đội hình thì mới yên tâm, dù đó là ngoại binh không quá hay. Đây là kiểu suy nghĩ vô cùng tai hại cho bóng đá nước nhà.

Vẫn có ngoại binh tốt CLB TP.HCM có hai ngoại binh chất lượng là trung vệ Pape Diakite và tiền vệ Seo Yong Duk. B.Bình Dương có tiền đạo Hedipo Gustavo, còn Hồng Lĩnh Hà Tĩnh có tiền đạo Bruno Henrique. Sài Gòn FC ra mắt hai cầu thủ tấn công ấn tượng là Paulo Pedro, Geovane và trung vệ Hàn Quốc Ahn Byung Keon. Cũng có thể kể thêm cặp tiền đạo ngoại của CLB Viettel là Bruno Cunha, Caique. Tuy nhiên, số lượng trên vẫn là quá ít. Một thực tế đáng lo khác là V-League đang dần trở thành sân sau của bóng đá Thái Lan. Nhiều ngoại binh sau khi thi đấu ở Thái Lan mới chuyển sang VN chơi bóng như Bruno Cunha, Caique (Viettel), Diego Silva (Hải Phòng), Bruno Henrique (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), Ariel Rodriguez (CLB TP.HCM).

Theo HỮU TẤN – HOÀI DƯ

1,013 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết