Lính Trung Quốc vác giáo mác đi tuần ở biên giới Ấn Độ

Truyền thông Ấn Độ ngày 9-9 công bố hình ảnh các binh sĩ Trung Quốc tay cầm mác cán dài như giáo, lưng đeo súng trường đi tuần gần Đường kiểm soát thực tế (LAC), vốn là biên giới tạm thời giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Lính Trung Quốc vác giáo mác đi tuần ở biên giới Ấn Độ - Ảnh 1.
 

Mác cán dài như giáo trên tay lính Trung Quốc ở biên giới Trung – Ấn – Ảnh chụp màn hình ANI

Nguồn tin của Hãng thông tấn ANI trong quân đội Ấn Độ cho biết các hình ảnh trên được chụp tại khu vực Ladakh vốn do Ấn Độ kiểm soát nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Phát hiện thấy “hàng lạnh” trên tay lính Trung Quốc, các binh sĩ Ấn Độ đã cảnh giác giữ khoảng cách do lo ngại một vụ đụng độ đổ máu tương tự hồi tháng 6 năm nay sẽ tái diễn.

Theo truyền thông Ấn Độ, các binh sĩ Trung Quốc khi đó được trang bị gậy đóng đinh sắt đã xô xát với lính Ấn Độ tại thung lũng Galwan khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc đến giờ vẫn giữ im lặng về con số thương vong.

Đây được xem là vụ đụng độ không tiếng súng đẫm máu nhất tại biên giới Ấn – Trung trong hàng chục năm qua. Việc binh sĩ hai nước chạm mặt gần đường LAC là điều thường xuyên xảy ra, đôi khi kết thúc bằng những cuộc cãi vã hoặc vác đá chọi nhau.

Lính Trung Quốc vác giáo mác đi tuần ở biên giới Ấn Độ - Ảnh 2.

Bức ảnh toàn cảnh cho thấy có gần 30 lính Trung Quốc – tương đương một trung đội – cầm mác cán dài ở biên giới Trung – Ấn – Ảnh chụp màn hình ANI

Ấn Độ và Trung Quốc – hai quốc gia sở hữu hạt nhân – được cho là có các thỏa thuận không sử dụng “hàng nóng” như súng ống tại một số khu vực nhạy cảm ở biên giới. Thực tế ở thung lũng Galwan cho thấy các vũ khí “hàng lạnh” như giáo, mác cũng có thể tạo ra thương vong lớn như dùng súng ống.

Ông Hồ Tích Tiến dọa hạ gục quân đội Ấn Độ

Lính Trung Quốc vác giáo mác đi tuần ở biên giới Ấn Độ - Ảnh 3.

Biên phòng Ấn Độ tuần tra biên giới trong thời tiết mùa đông – Ảnh: ANI

Ngày 7-9, Chiến khu Tây thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tố lực lượng Ấn vi phạm LAC, xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc ở bờ nam hồ Pangong và nổ súng.

Một ngày sau, 8-9, báo The Times of India dẫn nguồn tin quân đội Ấn Độ tố ngược lính Trung Quốc mới là bên nổ súng chỉ thiên khi cố áp sát lực lượng Ấn ở phía đông cao nguyên Ladakh.

Trưa cùng ngày, tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Thời báo Hoàn Cầu lên Twitter cáo buộc Ấn Độ vi phạm hiệp ước không dùng vũ khí ở biên giới giữa hai nước, đồng thời doạ nếu xung đột vũ trang nổ ra, quân Ấn “sẽ chịu thất bại thảm hại hơn năm 1962”.

Ý ông này nhắc đến là cuộc chiến tranh Trung – Ấn năm 1962, khi đó Trung Quốc chiến thắng về quân sự nhưng cuối cùng cũng phải rút về đường biên giới cũ trước xung đột.

Tuyên bố trên đã gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng Ấn Độ. Nhiều người nhắc ông Hồ quân đội Ấn đã đẩy lùi thành công PLA trong các vụ chạm trán ở Nathu La và Cho La năm 1967, cho thấy năng lực quân sự của họ đã cải thiện hơn.

2 giờ sau dòng tweet đầu, tổng biên tập Hồ Tích Tiến lại viết tiếp, rằng Ấn Độ “đánh giá thấp Trung Quốc như hồi năm 1962”, nếu nghĩ Trung Quốc “không dám chiến tranh là một tính toán sai lầm”.

“PLA đã lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất, nếu xung đột nổ ra họ tự tin sẽ đánh bại quân đội Ấn”, ông Hồ Tích Tiến khoe.

Không rõ nhận định trên dựa trên cơ sở nào, nhưng các chuyên gia quân sự đánh giá cao khả năng chiến đấu ở vùng núi của quân đội Ấn. Tờ Taiwan News dẫn ý kiến ông Huang Guozhi, biên tập viên tạp chí Modern Weaponry, cho biết leo núi là một kỹ năng quan trọng đối với tất cả quân nhân Ấn đóng ở vùng núi.

Cao nguyên Ladakh, nơi Ấn – Trung đang tranh chấp, có độ cao lớn, oxy loãng và nhiệt độ cực lạnh. Tác chiến trong điều kiện đó nằm trong chương trình huấn luyện của Trường Chiến tranh độ cao (HAWS) của quân đội Ấn.

Những căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên tuyến biên giới dài gần 3.500km chưa phân định đã kéo dài âm ỉ kể từ cuộc chiến năm 1962. Mặc dù lấy LAC làm ranh giới tạm thời, cả New Delhi lẫn Bắc Kinh đều tố cáo bên còn lại gây hấn trước.

Căng thẳng bắt đầu tăng cao vào giữa tháng 5 năm nay khi Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc dồn quân tới các khu vực tranh chấp, âm mưu thay đổi hiện trạng.

Đáp lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ cố tình gây căng thẳng ở biên giới để thu hút sự chú ý của người dân, giảm các chỉ trích nhắm vào chính quyền trong bối cảnh Ấn Độ trở thành vùng dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới.

Theo BẢO DUY – PHÚC LONG

https://tuoitre.vn/linh-trung-quoc-vac-giao-mac-di-tuan-o-bien-gioi-an-do-20200909115837069.htm
988 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết