Ấn Độ bí mật đưa tàu chiến tới Biển Đông thách thức Trung Quốc?

Hải quân Ấn Độ đã bí mật triển khai một tàu chiến tới Biển Đông sau vụ đụng độ với Trung Quốc ở biên giới đất liền khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hồi tháng 6, theo truyền thông Ấn Độ.
 
Ấn Độ bí mật đưa tàu chiến tới Biển Đông thách thức Trung Quốc? - Ảnh 1.
 

Tàu hộ vệ tên lửa INS Shivalik của Ấn Độ diễn tập với trực thăng của hải quân Mỹ trên Ấn Độ Dương hồi cuối tháng 7 – Ảnh: US NAVY

“Việc triển khai tàu chiến tới Biển Đông diễn ra không lâu sau vụ đụng độ ở Galwan”, Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ dẫn các nguồn thạo tin trong chính phủ tiết lộ ngày 30-8. Vị này nhấn mạnh mục đích là gởi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ của New Delhi tới Bắc Kinh.

Thông tin về tàu chiến được cử tới Biển Đông không được tiết lộ nhưng theo ANI, đây là một trong các tàu chiến của Ấn Độ đang hoạt động gần Biển Đông. Hải quân Ấn Độ cũng triển khai thêm một nhóm tàu chiến khác tới gần eo Malacca chiến lược để theo dõi tàu chiến Trung Quốc.

Việc triển khai được giữ bí mật tuyệt đối vì không muốn thu hút sự chú ý của dư luận Ấn Độ vào thời điểm căng thẳng với Trung Quốc, nguồn tin của ANI khẳng định.

Trong thời gian hoạt động trên Biển Đông, tàu chiến Ấn Độ đã trao đổi thông tin qua các kênh bảo mật với tàu chiến Mỹ tại khu vực.

Trung Quốc sau đó đã phát hiện sự xuất hiện của tàu chiến Ấn Độ nhưng chỉ thể hiện sự phản đối qua các kênh ngoại giao, nguồn tin của ANI tiết lộ thêm.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng vào giữa tháng 6 sau vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp Galwan. Truyền thông Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đã ủ mưu từ trước khi dùng gậy gộc gắn đinh sắt tấn công binh sĩ Ấn Độ đang tuần tra không vũ trang.

New Delhi đã tăng cường các hoạt động quân sự trên biển từ sau sự cố Galwan. Hồi cuối tháng 7, 4 tàu chiến của Ấn Độ đã tập trận bắn đạn thật chung với tàu sân bay Mỹ gần eo biển Malacca – cửa ngõ tiến vào Biển Đông từ phía tây.

Nhà phân tích Derek Grossman (Mỹ) khẳng định với tạp chí Nikkei Asian Review rằng đối tượng mà Mỹ và Ấn Độ hướng tới khi tập trận tại khu vực trên là Trung Quốc.

“Rõ ràng là vậy, vì chẳng lẽ tập trận phòng không để chống cướp biển hay khủng bố trong khu vực?”, ông Grossman lập luận.

Ấn Độ là một trong bốn nước tham gia Đối thoại an ninh bốn bên hay còn gọi là Tứ giác kim cương gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Sự xuất hiện của nhóm này khiến Trung Quốc tức giận vì cho rằng mục đích của Tứ giác kim cường là để kiềm chế và răn đe Bắc Kinh.

Theo BẢO DUY

https://tuoitre.vn/an-do-bi-mat-dua-tau-chien-toi-bien-dong-thach-thuc-trung-quoc-20200830210500083.htm
1,364 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết