Vì sao Ấn Độ muốn sản xuất thần tốc vắc xin ngừa COVID-19 trước 15-8?

Báo South China Morning Post tỏ ra hoài nghi và cho rằng những căng thẳng chính trị với Trung Quốc là động lực khiến Ấn Độ đặt ra ‘mục tiêu đáng báo động’.

Vì sao Ấn Độ muốn sản xuất thần tốc vắc xin ngừa COVID-19 trước 15-8? - Ảnh 1.

Vắc xin có tên Covaxin do Ấn Độ tự phát triển – Ảnh chụp màn hình Indian Express

South China Morning Post (SCMP), tờ báo có trụ sở tại Hong Kong và được tỉ phú Jack Ma mua lại năm 2016, ngày 30-7 đã nêu ra hai lý do khiến Ấn Độ muốn có vắc xin sớm: những căng thẳng với Trung Quốc và niềm tự hào quốc gia.

Loại vắc xin đang được Ấn Độ thử nghiệm lâm sàng có tên Covaxin đã được tiêm cho khoảng 100 người và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn 2. Theo SCMP, New Delhi đã ra lệnh đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, đặt mục tiêu có vắc xin trước ngày 15-8, ngày lễ quốc khánh của Ấn Độ.

“Là nhà cung cấp vắc xin lớn nhất thế giới, Ấn Độ sẽ có lợi thế nếu thử nghiệm vắc xin nội địa thành công. Nhưng sự gấp gáp của Ấn Độ trong việc tiến tới tự lực vắc xin – chủ yếu là để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc – đang gióng lên hồi chuông cảnh báo”, SCMP đặt vấn đề và liệt kê ra những căng thẳng giữa New Delhi với Bắc Kinh gần đây.

Tờ này dẫn ra lá thư của Giám đốc của Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR), ông Balram Bhargava, hôm 2-7 để chứng minh. 

Lá thư ông Bhargava gởi đến 12 đơn vị thử nghiệm Covaxin và nhắc đến mốc 15-8 được xác nhận là thật. Nội dung thư từng khiến các nhà khoa học Ấn Độ lo ngại khi bị rò rỉ cho truyền thông. 

Một bác sĩ Ấn Độ “giấu tên” giám sát quá trình thử nghiệm Covaxin cũng tiết lộ với SCMP rằng có áp lực ngầm từ chính phủ để đẩy nhanh tiến trình. Một số báo đài nước ngoài như BBC, DW cũng đưa tin và đặt câu hỏi về chất lượng của Covaxin.

Trước tình hình này, Bộ Y tế Ấn Độ đã “nói lại cho rõ” rằng 15-8 không phải là thời hạn chót và lá thư của ông Bhargava chỉ được lưu hành nội bộ, mang tính đốc thúc nhiều ban hành khác tăng tốc quy trình hỗ trợ cấp phép vắc xin một khi hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm.

ICMR trước đó đã khẳng định sẽ không bỏ qua bất kỳ bước cần thiết nào và tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu về phát triển vắc xin cho các tình huống khẩn cấp như COVID-19.

Chưa kể tiềm lực sẵn có, việc Ấn Độ đẩy mạnh phát triển vắc xin là điều chính đáng bởi nước này đang là vùng dịch COVID-19 lớn thứ 3 thế giới với hơn 1,5 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 35.000 ca tử vong. 

Ông Rajesh Bhushan, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ, ngày 30-7 khẳng định Ấn Độ sẽ không thể đạt miễn dịch cộng đồng nếu không có vắc xin ngừa COVID-19.

Viện huyết thanh Ấn Độ đang sản xuất vắcxin do ĐH Oxford phát triển 

Vì sao Ấn Độ muốn sản xuất thần tốc vắc xin ngừa COVID-19 trước 15-8? - Ảnh 2.

Một bệnh nhân COVID-19 ở Ấn Độ được hai nhân viên y tế hỗ trợ khi đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt – Ảnh: REUTERS

Viện huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, hiện đang sản xuất vắc xin thử nghiệm ChAdOx1 do Đại học Oxford và công ty AstraZeneca phát triển. Giai đoạn 3 của thử nghiệm sẽ được tiến hành tại Ấn Độ vào cuối tháng 8 này và chậm nhất vắc xin sẽ ra mắt vào tháng 11 tới.

Theo trang Indian Express, Viện huyết thanh Ấn Độ đã đồng ý cung cấp 430 triệu liều vắc xin ChAdOx1 cho Mỹ, Anh và Brazil. Ông Adar Poonawalla, giám đốc điều hành của viện này, cho biết ChAdOx1 sẽ được bán tại Ấn Độ với tên gọi Covishield và có giá dưới 1.000 Rupee Ấn Độ (khoảng 300.000 đồng).

Khi được đài DW của Đức hỏi vì sao lại bắt tay vào sản xuất hàng triệu liều vắc xin kể cả khi thử nghiệm lâm sàng vẫn chưa kết thúc, ông Poonawalla khẳng định vắc xin sẽ không được phân phối nếu quá trình thử nghiệm chưa hoàn tất và phải sản xuất sớm thì mới có sẵn vắc xin cho thị trường.

Bharat Biotech, nhà sản xuất Covaxin, hiện đang sản xuất hàng tỉ liều vắc xin ngừa virus rota và viêm gan được bán trên khắp thế giới.

Theo DW, Bharat Biotech đã sản xuất thành công vắc xin ngừa virus rota đầu tiên của Ấn Độ vào năm 2015. Với giá chỉ 1 USD cho mỗi liều (khoảng 23 ngàn đồng), vắcxin của Bharat Biotech đã được đưa vào chương trình tiêm chủng phổ cập của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo BẢO DUY

https://tuoitre.vn/vi-sao-an-do-muon-san-xuat-than-toc-vac-xin-ngua-covid-19-truoc-15-8-20200731085026342.htm
1,611 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết