Đài Loan khước từ '1 quốc gia, 2 chế độ', đưa ra 4 nguyên tắc với Trung Quốc

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã đưa ra những lời kêu gọi mạnh mẽ hướng tới Bắc Kinh, nhấn mạnh Đài Loan và Trung Quốc có vị thế ngang bằng khi tuyên bố Bắc Kinh nên tìm cách cùng tồn tại với chính quyền dân chủ ở Đài Bắc.

Đài Loan khước từ 1 quốc gia, 2 chế độ, đưa ra 4 nguyên tắc với Trung Quốc - Ảnh 1.
 

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong lễ tuyên thệ nhậm chức lần 2 ngày 20-5 – Ảnh: AFP

“Quan hệ xuyên eo biển đã đạt đến một bước ngoặt lịch sử. Cả Trung Quốc và Đài Loan đều có nhiệm vụ tìm cách cùng tồn tại trong dài hạn và ngăn chặn gia tăng sự khác biệt, đối lập giữa hai bên”, bài phát biểu của bà Thái Anh Văn trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 ngày 20-5 báo hiệu những căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục kéo dài thêm ít nhất 4 năm nữa.

4 nguyên tắc

Trung Quốc đã cắt đứt liên lạc chính thức với Đài Loan không lâu sau khi bà Thái Anh Văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu năm 2016. Hồi đầu năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên kêu gọi Đài Loan trở về với đại lục theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như đã áp dụng với Hong Kong và Macau. Thế nhưng ý tưởng này đã liên tục bị chính quyền Đài Bắc khước từ.

Khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề ra ý tưởng “một quốc gia, hai chế độ”, đối tượng mà ông hướng đến không phải Hong Kong hay Macau mà là Đài Loan. Và trong khi Hong Kong, Macau giờ đã nối liền đại lục, Đài Loan vẫn tách biệt hơn 70 năm sau cuộc nội chiến.

Vì sao Đài Bắc nhất quyết không trở về theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”? Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã giải thích điều này trong bài phát biểu ngày 20-5: Đài Loan không muốn bị hạ cấp, trở thành các vùng đất đã từng là thuộc địa nước ngoài như Hong Kong, Macau khi nói chuyện với Trung Quốc.

“Hòa bình, ngang bậc, dân chủ và đối thoại” là những từ đã được bà Thái nhắc đến như các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ với Bắc Kinh trong ngày nhậm chức. 

Theo bà Thái, Đài Loan đã nỗ lực hết sức để duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển hẹp ngăn cách với đại lục và sẵn sàng đối thoại với đại lục: “Chúng tôi sẽ tiếp tục những nỗ lực này và chúng tôi sẵn sàng tham gia đối thoại với Trung Quốc, đóng góp cụ thể hơn nữa cho an ninh khu vực”.

Thách thức phía trước

Sóng gió đã nổi lên ngay sau bài phát biểu của bà Thái. Từ Bắc Kinh, Văn phòng các vấn đề Đài Loan phát đi một thông cáo nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “không dung thứ” cho các hành động “ly khai” của Đài Loan. “Trung Quốc có đủ khả năng và sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ”, người phát ngôn của văn phòng này nhấn mạnh.

Ông Yao Chia-wen (Diêu Giả Văn), một cố vấn cấp cao của bà Thái, thừa nhận với Hãng tin Reuters rằng cơ hội đàm phán hoặc đối thoại “ngang cơ” với Trung Quốc là rất nhỏ dựa trên những căng thẳng hiện tại. “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh nhưng sẽ khó có chuyện họ chịu nhượng bộ. Trong vòng 4 năm nữa, cơ hội để cải thiện quan hệ xuyên eo biển Đài Loan là rất ít”.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng bà Thái sẽ tận dụng mối quan hệ đang ấm lên nhanh chóng với Mỹ để chống chọi sức ép từ đại lục. Washington vẫn duy trì quan hệ chính thức với Bắc Kinh nhưng liên tục có các động thái tăng cường quan hệ với Đài Bắc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Mối quan hệ Mỹ – Đài sẽ tiếp tục ấm lên, trong khi mối quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục tan vỡ. Quan hệ xuyên eo biển Đài Loan sẽ không được cải thiện. Tất cả những gì Đài Loan có thể làm, và bà Thái dự kiến sẽ làm, là tránh khiêu khích hoặc làm thay đổi hiện trạng và không nhượng bộ” – ông Stephen Tan, chủ tịch Hiệp hội Chính sách xuyên eo biển Đài Loan có trụ sở tại Đài Bắc, nhận định với SCMP.

Theo DUY LINH

https://tuoitre.vn/dai-loan-khuoc-tu-1-quoc-gia-2-che-do-dua-ra-4-nguyen-tac-voi-trung-quoc-20200521084524425.htm

2,191 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết