Phòng dịch cho phi hành gia trên Trạm ISS như thế nào?

Đại dịch COVID-19 xảy ra trên địa cầu nhưng các nhóm phụ trách hoạt động của trạm không gian lơ lửng trên không trung không phải không lo sợ. Các biện pháp phòng ngừa chủ yếu diễn ra trên mặt đất.

Phòng dịch cho phi hành gia trên Trạm ISS như thế nào? - Ảnh 1.

Phi hành gia Frank De Winne khi còn là kỹ sư phụ trách chuyến bay Expedition 20, đang vận hành hệ thống bảo trì đường ống trong phòng thí nghiệm Columbus của châu Âu thuộc trạm ISS – Ảnh: NASA

Trên báo Le Point của Pháp, nhà du hành vũ trụ người Bỉ Frank De Winne – giám đốc Trung tâm các nhà du hành vũ trụ châu Âu, đại diện Cơ quan không gian châu Âu (ESA) phụ trách các hoạt động của trạm ISS, cho biết khi đại dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng khắp thế giới thì ISS vẫn hoạt động bình thường và đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa virus xâm nhập.

Theo thông lệ lâu nay, trước khi khởi hành lên trạm, phi hành đoàn được cách ly 2 tuần tại Trung tâm vũ trụ Baikonour của Nga để đề phòng các loại dịch bệnh. 

Và trong thời điểm phóng tên lửa, ban điều hành sẽ tổ chức một buổi lễ nhỏ cho các thành viên gia đình và bạn bè của các nhà du hành vũ trụ tham gia nhưng không tiếp xúc trực tiếp với họ. 

Hiện nay khi dịch COVID-19 bùng phát, nghi thức này đã bị hủy và số người có mặt đưa tiễn cũng được giới hạn ở mức tối đa cho phép.

Trước khi đến bãi phóng, phi hành đoàn sẽ được cách ly thêm 2 tuần nữa tại Mátxcơva. Tuy nhiên, buổi lễ truyền thống đến Quảng trường Đỏ dâng hoa tại đài tưởng niệm nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin cũng bị hủy.

Nói tóm lại, hiện nay phi hành đoàn thay ca trên trạm ISS sẽ được cách ly 1 tháng trước khi bay. Quy định này đang được áp dụng cho đến khi có chỉ thị mới.

Phòng dịch cho phi hành gia trên Trạm ISS như thế nào? - Ảnh 2.

Trạm ISS trong ảnh chụp ngày 4-10-2018 – Ảnh: NASA

Tuy nhiên, khi sinh hoạt trên trạm ISS, ở độ cao cách mặt đất khoảng 319,6 km – 346,9 km, phi hành đoàn không cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa vì không gian trạm rất khép kín. 

Thực tế là biện pháp giãn cách xã hội áp dụng “trên Trái đất” chủ yếu là do không biết những đối tượng nào trong cộng đồng đông đúc của chúng ta đang nhiễm bệnh, còn trong một gia đình thì cũng không cần thiết phải làm vậy. 

Trên trạm ISS cũng thế, phi hành đoàn đã được cách ly 1 tháng trước khi lên trạm và chắc chắn là họ hoàn toàn khỏe mạnh nên được phép sinh hoạt bình thường trên đó.

Khi họ quay trở về Trái đất thì sao?

Hẳn nhiên là hệ miễn dịch của họ sẽ bị yếu đi sau một thời gian sống trên trạm cho nên dù không cách ly nhưng họ luôn phải sinh hoạt hàng ngày theo hình thức “giãn cách xã hội” trong vài tuần đầu sau khi quay về: hạn chế đến mức tối đa có thể số lượng người tiếp xúc trực tiếp với họ.

Còn việc phòng ngừa nhiễm COVID-19? Những người đến đón tiếp phi hành đoàn trở về trên đất Kazakhstan đều phải mang khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ. Tất cả mọi người tiếp xúc sau đó cũng phải đeo khẩu trang.

Phòng dịch cho phi hành gia trên Trạm ISS như thế nào? - Ảnh 3.

Phi hành gia Andrew Morgan của NASA được kiểm tra sức khỏe ngay khi tiếp đất ngày 17-4 ở Zhezkazgan, Kazakhstan. Ông từ trạm ISS trở về bằng tàu Soyuz MS-15 của Nga – Ảnh: REUTERS

Trả lời câu hỏi: “Việc tiếp tế cho trạm ISS phải chăng luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus?”, ông Frank De Winne giải thích: “Từ trước đến nay, chứ không phải đến khi có dịch COVID-19, đội ngũ nhân viên phụ trách khâu tiếp tế cho trạm luôn phải đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ đặc chủng và làm việc trong không gian vô trùng. 

Hiện nay, chúng tôi đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa như khử khuẩn kỹ thức ăn trước khi đóng gói, hạn chế số lượng xe và người vận chuyển. Do đó, nguy cơ lây nhiễm có thể nói là cực kỳ thấp, và hơn nữa virus không thể tồn tại lâu trên những chất liệu trơ như nhựa hay kim loại”.

Tuy nhiên, dù có kỹ lưỡng đến đâu, mọi chuyện cũng có thể xảy ra. Nếu chẳng may có một ca lây nhiễm COVID-19 trên trạm ISS thì sao? 

Hẳn nhiên là đã có những kịch bản đối phó được lên kế hoạch trước rồi. Câu hỏi then chốt được đặt ra là liệu có thể xử lý tại chỗ (tức ngay trên trạm ISS) một hoặc nhiều ca nhiễm COVID-19 hay không.

Có hai giả định: nếu đó là ca bệnh nhẹ thì có thể xử lý tại chỗ, còn nếu phải nhờ đến thao tác “cấp cứu y khoa” thì có thể sử dụng tàu vũ trụ Soyuz để đưa bệnh nhân trở về Trái đất trong thời gian nhanh nhất có thể. Song, theo ông Frank De Winne, khả năng này là “rất, rất thấp”.

Trở lại giả thuyết thứ nhất là nếu có một ca nhiễm COVID-19 được phát hiện trên trạm ISS thì bệnh nhân đó có thể sẽ được cách ly ngay trên trạm không? 

Câu trả lời là “không thể”, bởi không gian sống trên đó rất hẹp, môi trường không trọng lực nên không khí luân chuyển liên tục trong khoang. Vì thế, ban chỉ huy trạm ISS đã cẩn trọng để không thể có trường hợp tệ nhất như thế xảy ra, và nếu có thì họ sẽ “tùy cơ ứng biến” theo sự chỉ đạo từ mặt đất mà thôi.

Trên thực tế, trạm ISS cũng đã có những thời điểm phải đối phó dịch bệnh như dịch cúm heo hoặc dịch SARS, nhưng tình hình không nghiêm trọng như hiện nay. Và từ trước đến nay, ưu tiên hàng đầu của trạm ISS là cẩn trọng phòng ngừa tối đa để phi hành đoàn “không bị bệnh”, bất luận đó là bệnh gì.

Theo TƯỜNG NGUYỄN

https://tuoitre.vn/phong-dich-cho-phi-hanh-gia-tren-tram-iss-nhu-the-nao-20200503114012125.htm
2,502 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết