Nguy cơ mất kiểm soát, Singapore phong tỏa thêm 4 tuần

Từng được đánh giá là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng Singapore đang phải đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát do dịch lây lan tại các khu ký túc xá công nhân nước ngoài.

Nguy cơ mất kiểm soát, Singapore phong tỏa thêm 4 tuần - Ảnh 1.

Lao động nhập cư ở ký túc xá Punggol S11 tại Singapore xếp hàng nhận thực phẩm trợ cấp vì họ bị phong tỏa – Ảnh: Reuters

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Singapore với số ca nhiễm mới tiếp tục trên 1.000 ca mỗi ngày, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1-6, mặc dù thời hạn cũ còn 2 tuần nữa mới chấm dứt (đến hạn ngày 4-5).

Những người lao động nhập cư này ban đầu không có trong chính sách chống dịch của Chính phủ Singapore.

Alex Au (phó chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận Transient Workers Count Too)

Chỉ duy trì dịch vụ thiết yếu

Theo báo The Straits Times, trong bài phát biểu chiều 21-4, Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích đây là biện pháp cần thiết trong bối cảnh lây nhiễm trong cộng đồng vẫn đáng lo ngại. Ngoài ra, Singapore sẽ đóng cửa thêm một loạt dịch vụ (vừa qua chỉ công sở và trường học đóng cửa) và chỉ duy trì tối thiểu các dịch vụ thiết yếu nhất để giảm lưu lượng đi lại.

Bộ Y tế Singapore thông báo số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 21-4 là 1.111 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc đảo này lên 9.125 ca (con số kỷ lục trong ngày là 1.426 ca hôm 20-4). Cũng cần lưu ý rằng giới chức Singapore từng thừa nhận số ca nhiễm sẽ còn tăng mạnh do nước này đang triển khai xét nghiệm diện rộng. Giới quan sát dự báo số ca nhiễm có thể sẽ lên tới 20.000 ca vào cuối tháng 4 này.

Phần lớn các ca nhiễm mới là tại các khu ký túc xá của lao động nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar và Ấn Độ làm trong ngành xây dựng và vận chuyển). Đáng chú ý, rất nhiều ca nhiễm không hề có biểu hiện bệnh. Trong khi đó, số ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng không rõ nguồn gốc vẫn ở mức trên 20 ca/ngày sau hai tuần thực hiện cách ly xã hội.

Thủ tướng Lý Hiển Long một lần nữa kêu gọi người dân Singapore ở nhà, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết hay để mua thực phẩm và nên đi một mình. Ông cho biết các biện pháp cách ly xã hội, hạn chế đi lại sẽ chỉ được gỡ bỏ khi con số lây nhiễm trong cộng đồng xuống mức 1 con số.

Chiến lược 3 mũi nhọn

Hiện Singapore đang thực hiện chiến lược 3 mũi nhọn để dập dịch tại các khu ký túc xá của công nhân gồm: thực hiện cách ly với toàn bộ các ký túc xá của công nhân, kể cả nơi chưa có dịch bệnh lây nhiễm; yêu cầu công nhân ở yên trong phòng, hạn chế ra ngoài, đồ ăn sẽ được cung cấp; chuyển khoảng 7.000 công nhân làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu ra khu vực khác.

Singapore có 43 ký túc xá của công nhân với khoảng 200.000 lao động. Có khu với 20.000 người và đã phát hiện 1.500 ca nhiễm. Ngoài ra, còn 1.200 khu nhà ở cải tạo từ các nhà máy, nhà kho với khoảng 100.000 công nhân lưu trú. Mỗi phòng ngủ tại các khu nhà này thường có từ 10-12 công nhân.

Singapore cũng đang bắt đầu giảm bớt các hoạt động trước đây được cho là thiết yếu để hạn chế lưu lượng người đi lại. Bắt đầu từ ngày 20-4, toàn bộ 180.000 lao động trong ngành xây dựng (chủ yếu ở trong các khu nhà dành cho công nhân) và người đi theo sẽ cách ly tại nhà cho tới ngày 4-5.

Trong ngày 20-4, Singapore cũng đã phát khẩu trang cho khoảng 400.000 lao động nhập cư và 250.000 người giúp việc tại nước này. Mỗi lao động nước ngoài sẽ được nhận 2 khẩu trang vải có thể sử dụng nhiều lần và 1 khẩu trang y tế. Nguồn khẩu trang được huy động từ các nhà hảo tâm theo sáng kiến “MaskForce”.

Singapore tiếp tục triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, tăng cường tuần tra và xử phạt. Dù mức xử phạt đến 300 đôla Singapore cho lần đầu vi phạm nhưng số vụ vi phạm vẫn không có chiều hướng giảm.

Chỉ tính trong ngày 19-4 đã có 240 người bị phạt vì không giữ khoảng cách an toàn và 120 người bị phạt vì không đeo khẩu trang.

Theo TƯỜNG NGUYỄN

https://tuoitre.vn/nguy-co-mat-kiem-soat-singapore-phong-toa-them-4-tuan-20200422082937867.htm
3,963 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết