Một nghiên cứu mới của Mỹ ủng hộ các biện pháp can thiệp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 – Ảnh: AFP
Theo nghiên cứu công bố trong tuần này trên SSRN – một tạp chí mã nguồn mở dành cho các nghiên cứu giai đoạn đầu – các quốc gia đang áp dụng các biện pháp can thiệp mạnh mẽ có thể chứng kiến sự bùng phát dịch gần 3 tuần sau khi triển khai các biện pháp này và sẽ kiểm soát được virus lây lan sau một tháng và ngăn chặn được dịch bệnh sau 45 ngày.
Các nhà nghiên cứu định nghĩa các biện pháp can thiệp mạnh mẽ là phong tỏa, giãn cách xã hội hay ở yên tại nhà, xét nghiệm hàng loạt và cách ly. Với các biện pháp ít quyết đoán hơn, quá trình trên có thể mất nhiều thời gian hơn.
“Trong trường hợp không có văcxin, thuốc đặc trị hoặc xét nghiệm hàng loạt và cách ly, thì biện pháp phong tỏa và lệnh yêu cầu người dân ở yên tại nhà sẽ cần phải kéo dài trong nhiều tháng” – nghiên cứu chỉ rõ.
Báo South China Morning Post ngày 3-4 cho biết nhóm nghiên cứu gồm có giáo sư Gerard Tellis của Trường Kinh doanh Marshall thuộc ĐH Nam California, trợ lý giáo sư Ashish Sood của ĐH California Reverside và sinh viên chuyên ngành tế bào và phân tử học Nitish Sood tại ĐH Augusta.
Nhóm này đã nghiên cứu số liệu của 36 quốc gia và 50 bang của nước Mỹ để đưa ra các kết luận trên.
Giáo sư Tellis cho biết những yếu tố khác ảnh hưởng đến thời gian chống dịch bao gồm “độ rộng lớn của một đất nước, văn hóa chào hỏi (như bắt tay, hôn má), nhiệt độ, độ ẩm và vĩ độ”.
Nhóm cho biết nghiên cứu của họ ủng hộ những biện pháp mạnh mẽ như phong tỏa của Ý và bang California, Mỹ; cũng như các biện pháp xét nghiệm hàng loạt và cách ly như ở Hàn Quốc và Singapore hoặc kết hợp cả hai như tại Trung Quốc.
“Singapore và Hàn Quốc đã đi theo con đường xét nghiệm hàng loạt và cách ly và đây dường như là biện pháp thay thế thành công duy nhất so với biện pháp phong tỏa và lệnh cấm ra khỏi nhà vốn gây nhiều tốn kém” – ông Sood viết.
Nhóm cho rằng Mỹ đang đứng trước thách thức lớn khi chỉ một nửa bang của nước này áp dụng các biện pháp can thiệp mạnh và lại thực hiện vào những thời điểm khác nhau.
Đầu tháng 3, khi Mỹ chỉ mới ghi nhận khoảng 1.000 ca nhiễm virus và vài chục ca tử vong, các quan chức Mỹ nói rằng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng người Mỹ là thấp. Tuy nhiên số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại nước này đã tăng theo cấp số nhân trong hai tuần qua. Tính đến sáng 3-4 (giờ Việt Nam), Mỹ hiện đang đứng đầu thế giới với 244.190 ca COVID-19.
Trong khi đó, Anh đã phải từ bỏ chiến lược miễn dịch cộng đồng ban đầu để áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, cấm tụ tập đông người và đóng cửa trường học, quán rượu, nhà hàng, phòng tập gym và rạp chiếu phim.
Theo ANH THƯ