Iran cảnh báo Anh, Pháp và Đức vì kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo Anh, Pháp và Đức về quyết định triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp nhằm vào Tehran theo thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015.

Iran cảnh báo Anh, Pháp và Đức vì kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif – Ảnh: REUTERS

“Việc triển khai cơ chế tranh chấp là hoàn toàn vô căn cứ và là một sai lầm chiến lược từ quan điểm chính trị” – ông Zarif cho biết ngày 14-1, theo Hãng tin Fars.

Trong khi đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi lên án “hành động hoàn toàn tiêu cực” của ba nước châu Âu, đặc biệt sau nhiều lần Iran cáo buộc ba nước này thất hứa trong việc bảo vệ nền kinh tế Iran khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Mousavi khẳng định Iran sẵn sàng xem xét mọi nỗ lực “thiện chí và mang tính xây dựng” để cứu vãn thỏa thuận nhưng sẽ đưa ra “phản ứng nghiêm khắc đối với bất kỳ biện pháp mang tính phá hoại nào”.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết việc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có thể khiến các bên không thể tiếp tục thực hiện thỏa thuận.

Iran cảnh báo Anh, Pháp và Đức vì kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân - Ảnh 2.

Anh, Pháp và Đức chính thức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân 2015. Trong hình từ trái sang: Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – Ảnh: GETTY

Trước đó, cùng ngày, Anh, Pháp và Đức tuyên bố chính thức triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 với các nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) với lý do Tehran liên tục vi phạm thỏa thuận.

Các cường quốc châu Âu cho biết họ quyết định hành động như vậy nhằm tránh một cuộc khủng hoảng phát triển hạt nhân trong bối cảnh leo thang căng thẳng tại Trung Đông.

Việc kích hoạt cơ chế, theo Hãng tin Reuters, có thể dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) với Iran.

Thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), có điều khoản cho phép một bên tuyên bố trước một ủy ban chung rằng một bên khác vi phạm thỏa thuận một cách nghiêm trọng. Nếu vấn đề không được giải quyết ở cấp ủy ban chung thì sẽ tiếp tục được trình lên một ban cố vấn trước khi tới tay Hội đồng Bảo an LHQ.

Theo JCPOA, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các cường quốc phương Tây đồng ý gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng ngày càng leo thang giữa Washington và Tehran.

Tháng 5-2019, Iran tuyên bố sẽ “thu hẹp” việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là tăng mức độ làm giàu uranium.

Cho đến nay, các quốc gia châu Âu vẫn đang thuyết phục Iran tuân thủ cam kết để tránh nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận.

Theo Anh Thư

https://tuoitre.vn/iran-canh-bao-anh-phap-va-duc-vi-kich-hoat-co-che-giai-quyet-tranh-chap-trong-thoa-thuan-hat-nhan-20200115070935768.htm

10,891 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết