10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu nhất năm 2019

Cách mạng 4.0, Chính phủ điện tử, xét xử vụ AVG, thử nghiệm mạng 5G… được bình chọn là những sự kiện đứng đầu trong top 10 sự kiện ICT 2019

10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu nhất năm 2019 - Ảnh 1.

Năm 2019, Việt Nam đã tuyên bố chiến lược “Make in Vietnam” với mục tiêu chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam của người Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ, Ảnh: T. HÀ

Ngày 26-12-2019, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2019. Qua sự bình chọn của các nhà báo theo dõi lĩnh vực ICT, 10 sự kiện ICT nổi bật trong năm 2019 do ICT Press Club bình chọn bao gồm

1- Bộ Chính trị ra Nghị quyết về Cách mạng 4.0

Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

2 – Xét xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG

Ngày 14-12-2019, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. 

Bộ TT&TT là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone, có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng. 

Quá trình thực hiện dự án, các bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh… của AVG, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với số tiền hơn 6.590 tỷ đồng. Trong đó 6.475 tỷ đồng là tiền nhà nước bị thiệt hại khi MobiFone mua AVG và 115 tỷ đồng là tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG. 

Cáo buộc cho rằng bị cáo Phạm Nhật Vũ đã hối lộ hơn 7 triệu USD sau khi thương vụ mua bán này thành công.

3 – Viêt Nam tuyên bố chiến lược Make in Vietnam

Năm 2019, Việt Nam tuyên bố chiến lược “Make in Vietnam”. Trước chiến lược “Make in Vietnam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế tự cường, chung sức đồng lòng thực hiện sứ mệnh lịch sử quyết không để đất nước chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

4 – Việt Nam thử nghiệm mạng 5G

Ngày 10-5-2019, Viettel cùng với Tập đoàn Ericsson thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam. Hoạt động nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực hiện nhằm đánh giá mọi mặt về khả năng ứng dụng công nghệ trong thực tiễn tại Việt Nam. 

Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới như bắt kịp những nước đi đầu về 5G trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

5 – Bộ TT&TT siết chặt quản lý Google và Facebook

Bộ TT&TT khẳng định các doanh nghiệp, dù là trong nước hay nước ngoài, đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật của nước sở tại. Đến đâu kinh doanh thì phải làm cho đất nước đó thịnh vượng, hoà bình. Bộ TT&TT cho biết sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google tuân thủ luật pháp Việt Nam.

6- Vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia

Ngày 9-12-2019, Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia chính thức ra mắt – đánh dấu mốc quan trọng trong cải cách hành chính của Việt Nam. 

 Người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 1 tài khoản tại địa chỉ dichvucong.gov.vn để tra cứu thông tin cũng như nộp hồ sơ trực tuyến các thủ tục hành chính và dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 

Theo lộ trình đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tích hợp tối thiểu 30% các Dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Các năm tiếp theo, mỗi năm sẽ tích hợp thêm 20% Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.

7 – Chính phủ đồng ý cho nhà mạng thí điểm Mobile Money

Chính phủ đã đồng ý cho triển khai đề án thí điểm cung cấp dịch vụ này. Theo thống kê hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, vì vậy Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.

8 – Ra mắt một loạt mạng xã hội Việt Nam

Ngày 23-7-2019, mạng xã hội của Việt Nam mang tên Gapo đã ra mắt. Đến ngày 16-9-2019, VCCorp đã ra mắt mạng xã hội Việt Nam mang tên Lotus. 

Hiện Bộ TT&TT đang khuyến khích xây dựng mạng xã hội của Việt Nam.

9 – Xét xử giai đoạn 2 vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng

Ngày 25-11-2019, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên xét xử ông Đặng Anh Tuấn, nguyên Chánh thanh tra Bộ TT&TT về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 

Cựu bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn bị triệu tập đến phiên xử với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, TAND tỉnh Phú Thọ ra thông báo hoãn xét xử vì có thêm tình tiết mới.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, tháng 10-2016, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện 14 game trên mạng Internet hoạt động có dấu hiệu cờ bạc nên Bộ lập đoàn kiểm tra với 5 thành viên. 

Theo cáo trạng, ông Đặng Anh Tuấn không những chỉ đạo mà còn nhắn tin yêu cầu người lập báo cáo ghi thêm đề xuất “dừng đoàn kiểm tra”.

10 – Chính phủ vận hành hệ thống E-Cabinnet

Ngày 24-6-2019, hệ thống E-Cabinet chính thức được vận hành. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, hệ thống E-Cabinet là một bước thí điểm quy trình ứng dụng CNTT trong xử lý công việc. 

Đây là một phương thức làm việc mới, chuyển đổi từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử; Tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, đáp ứng xử lý công việc kịp thời. Muốn triển khai thành công nền kinh tế số, xã hội số thì phải có Chính phủ số mà khởi đầu là sự khai trương của hệ thống E-Cabinet.

Theo T. HÀ
https://congnghe.tuoitre.vn/10-su-kien-cong-nghe-thong-tin-tieu-bieu-nhat-nam-2019-20191226120110469.htm
4,905 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết