Lợi, hại từ căng thẳng thương mại Australia - Trung Quốc

Căng thẳng thương mại giữa Australia-Trung Quốc những ngày cuối năm 2020 đã leo lên nấc thang mới,  dự báo gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Trước mắt, Australia sẽ tăng thu lợi từ giá quặng sắt, nhưng lại mất bộn tiền từ các mặt hàng hải sản và rượu vang.

Các quặng sắt đang giúp ngân khố Australia hưởng lợi

Các quặng sắt đang giúp ngân khố Australia hưởng lợi

Truyền thông Australia ngày 14-12 đồng loạt loan tin, chính phủ nước này dự kiến sẽ thu được một khoản ngân sách 3 tỷ AUD từ giá quặng sắt lên mức cao nhất trong 7 năm, xuất phát từ tâm lý lo ngại các biện pháp trừng phạt thương mại của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này vẫn đang tăng mua quặng sắt với số lượng lớn.

Yếu tố “lo ngại” về khả năng Trung Quốc trừng phạt đối với những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia đã góp phần đẩy giá quặng sắt tăng thêm 18 USD/tấn trong tháng 12 lên 160 USD/tấn, mức cao nhất trong 7 năm qua.

Tờ The Australian dẫn lời chuyên gia kinh tế Chris Richardson của hãng tư vấn Deloitte Access Economics nhận định: “Điểm mấu chốt là cuộc chiến thương mại của Trung Quốc đang giúp Australia kiếm được nhiều tiền hơn là mất. Tuy Australia mất tiền từ tôm hùm đến rượu vang, nhưng về tổng thể, ngân sách chính phủ được hưởng lợi lớn nhờ tăng thu từ quặng sắt”.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tăng trưởng trở lại sau đại dịch. Khi các nhà máy ở Trung Quốc hồi sinh, số quặng sắt xuất khẩu từ cảng Hedland thuộc bang Western Australia cũng lên kỷ lục. Ngoài nhu cầu trong nước, Trung Quốc không thể không dự trữ thép phục vụ dự án “Vành đai và Con đường”. Thiếu sắt cũng ngăn cản tham vọng của Trung Quốc trong nỗ lực muốn xây dựng ngành sản xuất thay thế và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù Trung Quốc tăng đàm phán để mua sắt nhiều hơn từ Brazil, nhưng nhu cầu sắt từ Australia vẫn khó giảm. Thực tế cho thấy, sự phân mảnh của ngành thép Trung Quốc trở thành rào cản đáng kể khi không có cách nào để theo dõi từng lô hàng nhập khẩu riêng lẻ từ Australia.

Trong 3 tháng qua, Trung Quốc đã có nhiều động thái nhằm tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia, theo đó cấm 6 công ty chế biến thịt bò và 2 công ty chế biến thịt cừu xuất khẩu sản phẩm sang nước này.

Ngoài thịt bò và thịt cừu, một số nông sản khác của Australia đã lần lượt bị Trung Quốc làm khó như tăng hơn 80% thuế nhập khẩu lúa mạch, 202% thuế đánh vào rượu vang, thay đổi các điều kiện nhập khẩu đối với tôm hùm và đe dọa xem xét các lệnh cấm khác dành cho sữa, mật ong… 

Tờ The Sydney Morning Herald nhận định, Australia đang chịu nhiều “cú đấm”, nhưng vẫn chưa bị hạ gục. Trong khi đó, một báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu châu Á (Asia Society) và Trung tâm Nghiên cứu APEC tại Đại học RMIT của Australia nhận định: Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, là một đối tác kinh tế hoàn hảo của Australia. Báo cáo đánh giá Việt Nam là một thị trường nổi bật đối với Australia và khuyến khích doanh nghiệp Australia mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam. Báo cáo chỉ ra những cơ hội lớn ở Việt Nam cho các nhà xuất khẩu thịt bò, ngũ cốc, bông, cây trồng, thực phẩm chế biến, dịch vụ y tế và giáo dục, thiết bị khai thác mỏ và các công nghệ “Công nghiệp 4.0” của Australia. Một trong những tác giả của nghiên cứu, cựu Bộ trưởng Thương mại Australia Craig Emerson, cho biết nền kinh tế của Việt Nam và Australia mang tính bổ sung rất cao và thực sự phù hợp, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ giáo dục. Giới chuyên gia cho rằng, sự bế tắc mà cả Trung Quốc và Australia đều đang đối mặt là thiếu sự đa dạng hóa. Một phần sự thịnh vượng của Australia là từ nhu cầu bức thiết của nền kinh tế Trung Quốc đối với các quặng khoáng sản của nước này. Về lâu dài, Australia cũng mong đợi các nước như Thái Lan, Việt Nam dẫn đầu một sự gia tăng nhu cầu mới ở Đông Nam Á, bên cạnh một tốc độ sản xuất mở rộng ở các nền kinh tế định hướng dịch vụ như Indonesia.
 

Theo HẠNH CHI tổng hợp

https://www.sggp.org.vn/loi-hai-tu-cang-thang-thuong-mai-australia-trung-quoc-703137.html

1,174 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Quảng cáo

Thông tin cần biết